Những quan điểm lớn của Hải Thượng Lãn Ông

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (1720), mất ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791), thọ 71 tuổi. Lãn Ông được nhân dân ta suy tôn là Đại y tôn Việt Nam; năm 1970, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hiệp quốc đã chọn kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhật của Lãn Ông để nêu cao tên tuổi và sự nghiệp của ông, là cả một vinh dự cho Tổ quốc ta đã sản sinh ra một người con ưu tú làm rạng rỡ y giới. Tháng 12 năm 1999, Bộ y tế đã quyết định lấy 9 điều y huấn cách ngôn của ông làm “ Đạo đức hành nghề Y dược học cổ truyền”, hằng năm lấy ngày rằm tháng giêng âm lịch ngày mất của ông làm ngày truyền thống của những người làm công tác Y dược học cổ truyền. Hôm nay, rằm tháng giêng năm Kỷ Hợi (2019), tưởng niệm 228 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chúng ta – công chức, viên chức và người lao động của Bệnh viện YHCT Quảng Nam – tập trung về đây thành kính thắp nén nhang để tưởng nhớ và tri ân công đức to lớn của ông đối với nền y học nước nhà. Ông để lại cho hậu thế bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển; trong đó không những chứa đựng nhiều khuôn vàng thước ngọc để chúng ta học tập, nghiên cứu về lý luận và thực hành YHCT; mà còn chứa đựng những quan điểm lớn, những bài học lớn làm tấm gương soi không chỉ cho riêng giới y học cổ truyền.
Tư tưởng và sự nghiệp của Lãn Ông gắn liền với thực tế xã hội, với những điều kiện đương thời. Lãn Ông là một nhân vật đặc biệt, tất nhiên có nhiều quan điểm tốt đẹp để lại cho đời sau.
1- Quan điểm về cuộc sống: Lãn Ông sinh ra và sống trong một thời đại có tình hình chính trị không ổn định. Tư tưởng sĩ phu hoang mang, nhiều người không tham gia chính cuộc, rút lui về vùng thôn dã ở ẩn.Trong cái hoan mang chung của nhà nho, Lãn Ông tìm hướng đi trong dịp dưỡng bệnh tại Rú Thành, vào hồi hơn 30 tuổi. “Nghề Y thiết thực ích lợi cho mình, giúp đỡ được mọi người” (Y Huấn). Đó là một hướng đi tích cực đúng đắn, thiết thực, cao quý. Hướng đi ấy có tính chất lý tưởng hoá bản tính và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ông từ đó về sau.
Bản thân ông trước 30 tuổi chưa làm nghề y, cho nên làm nghề y là hướng mới về sau. Và suốt 40 mươi năm còn lại, ông đã phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng sự nghiệp, có tính tích cực, có ích cho xã hội. Bởi có quan điểm sống đúng đắn như vậy mà các quan điểm khác về nghề nghiệp, phục vụ cũng đều có nhiều đặc điểm.
2- Quan điểm về nghề nghiệp, về ý thức phục vụ: Lãn Ông nhiều lần nhấn mạnh “ Nghề thuốc là nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân…”. Từ đó mà các mặt đạo đức, trách nhiệm, động cơ, thái độ, tác phong, nghiệp vụ… của ông đều đạt tới một tầm cao đặc biệt. Ông nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công”. Lãn Ông thể hiện rất rõ tính nhân đạo trong từng khâu của nghiệp vụ: Chuẩn đoán, suy luận, điều trị, dùng thuốc….
Đối với thầy thuốc “cái bệnh” là đối tượng số 1, tùy trường hợp mà giải quyết kịp thời và chu đáo. Do xác định được đối tượng số một đó mà Lãn Ông đặt sang bên những điểm khác như giàu nghèo, quyền uy, định kiến, sở thích, thuật số….
3- Quan điểm về trước tác và truyền thụ: Người viết sách có nhiều động cơ và thái độ khác nhau. Lãn Ông có quan điểm sống và ý thức phục vụ như trên nên động cơ và mục đích của ông vẫn đúng. Ông muốn “thâu tóm hàng trăm cuốn sách, đúc thành một bộ để tiện xem, tiện đọc…” Sách thuốc như rừng, lời bàn lắm ngả, yêu cầu có một bộ sách tóm gọn là một yêu cầu về học thuật của thời đại. Sách của ông viết xong đến đâu đã có người chép tay truyền nhau. Với tinh thần thận trọng, Lãn Ông còn đem hết tâm huyết của mình ra “Vắt hết ruột gan, moi tận đáy lòng,”, rõ ràng tinh thần trách nhiệm xây dựng học thuật và ý thức phục vụ của ông thật là triệt để và cao cả. Trong việc truyền thụ nghề nghiệp cho môn đệ, ông cũng rất chu đáo, ông chủ trương dạy bằng nhiều lối để người học nắm vững chuyên môn.
4- Quan điểm về thừa kế và học tập: Trong thừa kế và học tập Lãn Ông có những đặc điểm sau:
4.1- Ồng nêu cao tinh thần khổ học, có thể thấy rõ ở một đoạn văn trong quyển Y hải cầu nguyên: “Tìm hiểu sách vở của khắp các nhà, nghiên cứu ngày đêm, mỗi khi được một câu cách ngôn của hiền triết xưa ghi lại tại chổ biện luận kỹ càng, thức nhấp luôn suy nghĩ. Phàm những chân lý ngoài lời nói, phần nhiều nảy ra trong lúc suy tưởng, nhân đó suy rộng ra, càng ngày càng tinh vi, như chiếc vòng không cùng tận…….”
4.2- Học tập có chọn lọc: Hai chữ “Tâm lĩnh” trong tên bộ sách cũng nói lên cách học có chọn lọc của ông, ông muốn “chắt lọc lấy những tinh hoa của các sách, những vốn quý của dân gian về y học để đưa vào một bộ sách tóm gọn để tiện xem, tiện đọc…”.
4.3 Học tập có sáng tạo: ông nghiên cứu sách xưa, nhưng có nhiều chỗ ông không rập khuôn hoàn toàn như xưa. Ông đã có đóng góp những chỗ mới về lý thuyết, về phương thang.
4.4 Học tập có phương pháp: Trong việc học tập cần phải có đọc rộng, tham khảo nhiều. Khi đã có tư liệu nhiều rồi phải biết sắp xếp tóm gọn cho hệ thống thì mới tránh được bệnh tản mát, hoặc lộn xộn mâu thuẫn nhau.
Giữa học và hành, ông khuyên phải có sự “ biến thông linh hoạt”
4.5 Học tập với tinh thần suy nghĩ độc lập: Ông thừa kế sách xưa một cách toàn tâm toàn ý. Tuy nhiên, ông vẫn có tinh thần suy nghĩ độc lập, ông cũng tự hào với những phát kiến độc đáo. Ông không khiêm tốn giả tạo khi công bố thành quả của sự suy nghĩ độc lập trong học tập của mình và quyết định: “Tôi thà mắc tội với tiền bối, chứ không phụ cái sở học của mình”, và “…mong làm sáng tỏ thêm những chỗ văn chưa sáng nghĩa, những phần lý luận trước đây chưa đầy đủ”, hay như: “…lưu lại một chút khổ tâm của tôi trong việc nghiên cứu y học”. Điều đó phần nào nói lên lòng quả cảm, đồng thời sự tích cực xây dựng học thuật của ông, bất chấp những thông tục không cần thiết. Với tinh thần và phương pháp học tập chịu khó, chọn lọc, sáng tạo và suy nghĩ độc lập như trên, ông nắm vững học thuật và có sự xây dựng, đóng góp to lớn về các mặt.
5- Quan điểm về cách đối xử: Trong trước tác Lãn Ông cũng để lại những phong cách đối xử rất xác đáng, cần thiết cho một người thầy thuốc chân chính.
5.1- Đối với mọi người nói chung: “Đối với người lớn tuổi thì mình phải kính trọng, người học giỏi coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì diều dắt họ học tập”
5.2- Đối với người bệnh: Ông tận tình cứu chữa, ông không tin thuyết định mệnh. Ông quan tâm nhiều đến người nghèo, ông nói: “Nhà giàu không thiếu gì thầy thuốc, còn nhà nghèo khó lòng rước được thầy giỏi, vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được”. Đối với phụ nữ, ông giữ nghiêm túc triệt để; ông khuyên: “Khi xem bệnh cho đàn bà, con gái, đàn bà goá, ni cô cần phải có người nhà ở bên cạnh mới bước vào phòng mà xem bệnh, để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến hạng người buôn son bán phấn cũng vậy, cũng phải đúng đắn, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm”.
5.3- Đối với việc nhận quà cáp: Thông thường ai giúp mình một việc gì, thì mình cảm ơn người đó. Nhân dân ta vốn có tính thuần hậu, không khi nào quên ơn người đã giúp mình; muốn bày tỏ lòng chịu ơn không thể nào không trả ơn bằng lời nói, bằng vật chất, hoặc bằng việc làm; điều đó được coi như là hoàn toàn chính đáng và hợp tình, hợp lý, mà người bệnh không làm, luôn tự thấy băn khoăn. Nhưng điều đáng chê trách là đôi khi món quà quá đáng đối với sự việc, hoặc quá lớn đối với khả năng của người bệnh, hoặc kèm theo những động cơ không đúng, hoặc đem lại những hậu quả không trong sạch, lành mạnh. Những món quà không chính đáng có thể hạ thấp nhân phẩm thầy thuốc, biến thầy thuốc thành kẻ phụ thuộc, người nô lệ của vật chất hoặc của quyền uy.
Những điều trên đây rút ra từ trước tác của Lãn Ông có thể gọi là mẫu mực và quý báu.

(Theo “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” Tập I-NXB Y học 1993)

BS Lê Thân